TS Trần Trọng Dương, người vừa được giải B Sách quốc gia 2019, cho rằng hiện tại nhận thức của nhà quản lý về sự quan trọng của dịch sách chưa cao, trong khi đó là một con đường kiến tạo văn hóa.
Xin ông cho biết đánh giá về thị trường sách dịch mấy năm nay?
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, sách dịch đang trở lại, đặc biệt là sách kinh điển, sách khoa học. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, lực lượng dịch giả ở VN chủ yếu là dịch giả tự phát. Họ làm vì quá yêu nghề, muốn chia sẻ kiến thức là chính, chứ nghề dịch không nuôi sống họ được. Nếu cứ tính dịch một trang là 70.000 đồng theo giá thị trường, sách ra lại tính 12% giá bìa thì không ai sống nổi. Mọi mảng dịch thuật đều vậy, kể từ dịch cổ văn, Hán Nôm, văn hóa cho đến dịch thuật khoa học, triết học…
Như vậy có thể nói là nên đánh giá việc dịch thuật cao hơn mới phải, đúng không thưa ông?
Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể coi là viện dịch thuật lớn nhất của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ hằng năm sách dịch ra đều đều. Suốt 40 năm qua viện có một lượng sách dịch cực lớn. Nhưng những sách được trao giải thưởng về dịch thuật thì hầu như vắng bóng, không có cuốn Hán Nôm nào cả.
Vì sao lại như vậy?
Từ trước tới nay làm gì có giải thưởng của nhà nước về dịch thuật đâu, chỉ có giải thưởng dành cho khoa học thôi. Nếu có giải thưởng dịch, thì công việc dịch thuật nặng nhọc của nhà nghiên cứu mới có chỗ đứng. Dịch khổ vô cùng, khổ hơn viết, vì phải trung thành với ngôn ngữ, ý của tác giả, toàn triết học và văn học, khó vô cùng.
Sách ra cũng không được tính là công trình, các hội đồng giáo sư nhà nước không tính điểm dịch thuật. Trong khi có những cuốn như Cổ tích Việt Nam của cụ Nguyễn Đổng Chi, hay Thần thoại Hy Lạp của cụ Nguyễn Văn Khỏa là những cuốn kiến tạo về mặt văn hóa, văn hóa đọc.
Ở các nước, việc dịch thuật được đánh giá thế nào?
Chức năng của dịch thuật kiến tạo văn hóa, nghệ thuật. Những nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc đều phải qua một giai đoạn dịch thuật khủng khiếp. Trung Quốc cũng đang thực hiện một chiến dịch giống Nhật Bản thời Minh Trị ngày xưa. Bất cứ sách nổi tiếng của bất kỳ lĩnh vực nào trên thế giới, sau 3 tháng xuất bản là đã có bản tiếng Trung ở Trung Quốc rồi. Họ dịch, hiệu đính xong tri thức chuyên môn, thống nhất ngôn ngữ dịch thuật.
Nếu có ý kiến là nhà khoa học giỏi hãy tự đi đọc bản gốc ấy thì quan điểm của ông ra sao?
Quan điểm đó đúng nhưng không toàn diện. Thực ra việc đọc văn bản gốc chỉ dành cho giới nghiên cứu thôi. Các bạn trẻ ngày nay cũng đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Nhưng nó sẽ không thể hiện sự chuyển giao tri thức. Khi ta dịch một tác phẩm sang tiếng Việt thì mỗi lần là một nâng cấp tiếng mẹ đẻ.
Nhà nước có thể làm gì để chia sẻ và thúc đẩy dịch thuật?
Thực ra vị trí của nhà nước là hoạch định chính sách. Trong bối cảnh hiện tại phải làm những công tác tổng thể toàn diện, thay đổi tư duy, nhận thức về dịch thuật. Phải nhận thức được đó là kiến tạo văn hóa, tư tưởng, phát triển văn minh, là công cụ để thay đổi xã hội.